Tính đến ngày 15/5/2024, Đại bộ phận diện tích lúa Đông - Xuân đã trỗ thoát, lúa trà sớm đang chắc xanh đỏ đuôi. Tuy nhiên, 1 số diện tích lúa Đông bệnh đạo ôn cổ bông đang xuất hiện nhẹ, gây hại rải rác ở các giống lúa nếp, Khang dân 18, IR 1561 đang chắc xanh. Bệnh đen lép hạt gây hại cục bộ ở một số diện tích lúa trỗ bông trong thời gian bị mưa. Sâu cuốn lá nhỏ gây hại rải rác trên trà lúa muộn, nhìn chung, nông dân đã tập trung phòng trừ tốt. Rầy nâu, rầy lưng trắng, rầy cám tiếp tục nở trên các trà lúa, mật độ phổ biến 200 - 300 con/m 2, nơi cao 800 - 1000 con/m 2, cục bộ có ruộng trên 5.000 con/m2. Bệnh khô vằn tiếp tục phát triển trên các trà lúa, đặc biệt ở những ruộng cấy dầy, tỷ lệ bệnh phổ biến 7 - 10%, nơi cao 15 - 20% số dảnh, cục bộ trên 40% số dảnh. Bệnh bạc lá - đốm sọc vi khuẩn do ảnh hưởng của mưa giông bệnh phát sinh gây hại nhẹ các ruộng cấy giống Bắc thơm số 7. Ngoài ra, sâu đục thân, gây hại rải rác, cục bộ một bộ phận diện tích.
Nông dân tập trung chăm sóc và bảo vệ lúa Đông - Xuân
Để tiếp tục bảo vệ diện tích lúa Đông- Xuân, các địa phương và bà con nông dân cần tiếp tục thông báo ngay tình hình bệnh đạo ôn cổ bông, rầy nâu, rầy lưng trắng, sâu đục thân hai chấm... để các hộ nông dân chủ động phòng trừ kịp thời, có hiệu quả các đối tượng sâu bệnh. Đối với bệnh đạo ôn cổ bông, tiếp tục phun phòng đạo ôn cổ bông trên các giống nhiễm như Nếp các loại, IR1561, Khang dân 18,Thiên ưu 8, nếu thời tiết thuận lợi cho bệnh phát triển hoặc những ruộng trước đây đã nhiễm đạo ôn lá nặng cần phun lại lần 2 sau khi lúa trỗ thoát bằng một trong các loại thuốc đặc hiệu như Bump 650WP, Bankan 600WP, Fillia 525SE...Đối với sâu đục thân hai chấm, sâu cuốn lá nhỏ: Trên trà lúa trỗ sau ngày 15 tháng 5 cần phun trừ ở những nơi có mật độ sâu và mật độ ổ trứng cao khi lúa thấp tho trỗ bằng các loại thuốc đặc hiệu như Virtako 40WG, Voliam targo 063SC, Dupont prevathon 5SC, 35WG.... Đối với rầy nâu, rầy lưng trắng: khi xuất hiện rầy tuổi nhỏ (tuổi 1 - 3) với mật độ cao cần phòng trừ kịp thời bằng một trong các loại thuốc nội hấp như: Chess 50WG, Chatot 600WP, Afta 300WP... Nếu rầy mật độ cao, gây hại ở thời kỳ lúa đã trỗ xong đến chín (hoặc rầy tuổi lớn), cần phòng trừ bằng các thuốc tiếp xúc như: Bassa 50EC, Nibas 50EC, Dragon 585EC, Virtory 585EC... trước khi phun thuốc ở thời kỳ này cần rẽ lúa thành từng băng nhỏ 5 - 6 hàng lúa và phun trực tiếp vào nơi rầy cư trú. Để phòng trừ rầy đạt hiệu quả cao, yêu cầu trên ruộng phải có nước. Đối với bệnh khô vằn và bệnh đen lép hạt dùng các loại thuốc Super one 300EC, Tiltsuper 300EC, Anvil 5SC để phòng trừ; đối với bệnh bạc lá - đốm sọc vi khuẩn dùng thuốc Sasa 20WP, Lobo8WP, Ychatot 900SP để phòng trừ ở những ruộng mới nhiễm bệnh.